Bất cứ sản phẩm kinh doanh nào có liên quan đến đề vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi đưa ra thị trường đều phải thực hiện kiểm nghiệm. Do đó, kiểm nghiệm sản phẩm có vai trò rất lớn đối với hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm và các sản phẩm khác liên quan đến thực phẩm. Vậy kiểm nghiệm là gì, kiểm nghiệm sản phẩm là gì? Để tìm hiểu về vấn đề này hãy theo dõi bài viết giới thiệu về kiểm nghiệm sản phẩm dưới đây của Công ty Luật ACC.
1. Khái niệm kiểm nghiệm sản phẩm?
Để tìm hiểu khái niệm kiểm nghiệm sản phẩm, trước tiên phải hiểu kiểm nghiệm có nghĩa là gì. Kiểm nghiệm là việc tiến hành các xem xét, thử nghiệm, phân tích các thành phần cấu thành sản phẩm để kiểm soát chất lượng sản phẩm, đánh giá chất lượng của sản phẩm.
- Sản phẩm trong thị trường kinh doanh được hiểu là tất cả những yếu tố được đưa ra thị trường có thể thỏa mãn nhu cầu của con người, nhằm mục đích thu hút sự lựa chọn mua sắm và sử dụng của người tiêu dùng.
- Sản phẩm thuộc đối tượng kiểm nghiệm theo quy định pháp luật có nghĩa hẹp hơn, bao gồm thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vật liệu bao gói, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
- Từ đó, có thể hiểu khái niệm kiểm nghiệm sản phẩm là việc tiến hành các xét nghiệm để kiểm tra các loại thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vật liệu bao gói, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn của pháp luật.
2. Ý nghĩa của việc kiểm nghiệm sản phẩm:
- Kiểm nghiệm sản phẩm là thủ tục bắt buộc thực hiện đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được nhà nước quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Điều này sẽ góp phần giúp nhà nước thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với cả sản phẩm đã được đưa ra thị trường và các sản phẩm chuẩn bị có mặt trên thị trường.
- Kiểm nghiệm sản phẩm để phục vụ cho việc công bố sản phẩm và yêu cầu được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (một giấy tờ quan trọng để thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp) của các cá nhân, tổ chức kinh doanh, sản xuất sản phẩm.
- Kiểm nghiệm sản phẩm giúp các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất sản phẩm tạo dựng sự tin tượng của người tiêu dùng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thông qua việc thực hiện kiểm nghiệm trước khi đưa sản phẩm ra thị trường và kiểm nghiệm sản phẩm định kì.
- Kiểm nghiệm sản phẩm giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm trước khi được sử dụng. Thông qua việc kiểm nghiệm mà người tiêu dùng được tiếp cận và sử dụng các loại thực phẩm vệ sinh, an toàn cho sức khỏe. Thông qua đó, góp phần ngăn ngừa các loại bệnh như ngộ độc thực phẩm, ung thư do tích tụ các chất ngay hại có trong thực phẩm,…
Như vậy, có thể thấy ý nghĩa của kiểm nghiệm tác động lên các chủ thể trong xã hội, từ chủ thể kinh doanh, chủ thể sử dụng đến chủ thể quản lý. Từ đó, có thể hiểu vì sao mà kiểm nghiệm sản phẩm là thủ tục bắt buộc.
3. Kiểm nghiệm sản phẩm ở đâu?
Các chủ thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm dù biết kiểm nghiệm là thủ tục bắt buộc nhưng khi thực hiện lại gặp vướng mắc rất lớn đó là việc không biết kiểm nghiệm sản phẩm ở đâu.
Hiện nay, có rất nhiều đơn vị thực hiện và cung cấp dịch vụ kiểm nghiệm sản phẩm, có cả những cơ sở thuộc sự quản lý của các cơ quan đơn vị, cơ quan nhà nước và rất nhiều cơ sở tư nhân. Tuy nhiên, muốn kết quả kiểm nghiệm được chính xác nhất, có giá trị và được mọi người công nhận thì các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nên lựa chọn các cơ sở kiểm nghiệm đã được Nhà nước công nhận, chỉ định hoặc được thừa nhận rộng rãi. Tránh việc lựa chọn những đơn vị kiểm nghiệm không uy tín vì phải đối mặt với rủi ro đó là bị mất thời gian, công sức, tiền bạc mà kết quả kiểm nghiệm lại không được thừa nhận.
4. Mục đích kiểm nghiệm sản phẩm:
4.1 Kiểm nghiệm sản phẩm để tự công bố sản phẩm:
Kiểm nghiệm sản phẩm là thủ tục bắt buộc để các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản xuất sản phẩm công bố sản phẩm của mình đưa ra thị trường
Pháp định quy định rõ trong trình tự và hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm bao gồm:
- Về trình tự công bố, bước đầu tiên của trình tự công bố là đánh giá phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Việc đánh giá này dựa trên việc tổ chức, cá nhân thực hiện kiểm nghiệm sản phẩm tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm độc lập được công nhận hoặc phòng kiểm nghiệm được thừa nhận; đánh giá phù hợp quy định an toàn thực phẩm dựa trên kết quả kiểm nghiệm.
- Về hồ sơ kiểm nghiệm pháp luật quy định như sau: Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm trong vòng 12 tháng (bản gốc hoặc bản sao công chứng có kèm bản gốc để đối chiếu hoặc được hợp pháp hóa lãnh sự), gồm các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, chỉ tiêu an toàn, của phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm độc lập được công nhận hoặc phòng kiểm nghiệm được thừa nhận.
4.2 Kiểm nghiệm sản phẩm để phục vụ quản lý nhà nước sau khi công bố sản phẩm:
Sau khi sản phẩm được công bố ra thị trường vẫn phải tiến hành hoạt động kiểm nghiệm định kì nhằm phục vụ việc quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Pháp luật quy định về thủ tục kiểm nghiệm định kì như sau:
- Chế độ kiểm nghiệm định kỳ như sau:
- 01 lần/năm đối với sản phẩm của cơ sở có một trong các chứng chỉ về hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến: GMP, HACCP, ISO 22000 hoặc tương đương.
- 02 lần/năm đối với sản phẩm của các cơ sở chưa được cấp các chứng chỉ nêu trên.
- Việc kiểm nghiệm mẫu sản phẩm định kỳ được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân hoặc tổ chức, cá nhân chủ động mời cơ quan có thẩm quyền thực hiện.
- Các chỉ tiêu để kiểm nghiệm định kỳ là các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu đã công bố trong Bản thông tin chi tiết về sản phẩm hoặc trên nhãn sản phẩm đang lưu hành; một số chỉ tiêu hóa lý, vi sinh vật đã công bố trong Bản thông tin chi tiết về sản phẩm hoặc theo quy định của pháp luật.
- Kết quả kiểm nghiệm của các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất, định kỳ, kết quả kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu được tổ chức, cá nhân sử dụng làm kết quả kiểm nghiệm định kỳ nếu đáp ứng đủ các yêu cầu.
5. Quy trình kiểm nghiệm sản phẩm:
Dưới đây là hướng dẫn kiểm nghiệm sản phẩm, quy trình để các cá nhân, tổ chức kinh doanh, sản xuất sản phẩm có nhu cầu kiểm nghiệm sản phẩm thường được tiến hành thông qua các bước sau:
- Tìm kiếm, lựa chọn cơ sở tiến hành kiểm nghiệm sản phẩm. Xác định các chỉ tiêu cần kiểm nghiệm tương ứng với từng sản phẩm và quy chuẩn.
- Cơ sở kiểm nghiệm sản phẩm tiến hành báo giá đến tổ chức, cá nhân có yêu cầu kiểm nghiệm
- Cơ sở kiểm nghiệm sản phẩm và cá nhân, tổ chức có yêu cầu kiểm nghiệm thực phẩm ký hợp đồng, điền giấy tờ yêu cầu kiểm nghiệm.
- Cơ sở kiểm nghiệm tiến hành lấy mẫu sản phẩm tiến hành phân tích. Việc kiểm nghiệm mẫu sản phẩm phải đáp ứng các yêu cầu của pháp luật về kiểm nghiệm mẫu sản phẩm.
- Trong vòng 03 đến 10 ngày, cơ sở kiểm nghiệm sản phẩm trả kết quả kiểm nghiệm cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu kiểm nghiệm sản phẩm.
6. Các yêu cầu đối với kiểm nghiệm mẫu sản phẩm:
Việc kiểm nghiệm sản phẩm được tiến hành thông qua kiểm nghiệm mẫu sản phẩm. Do đó, kiểm nghiệm mẫu sản phẩm đóng vai trò quyết định đối với việc kiểm nghiệm sản phẩm.
6.1 Một số văn bản pháp luật quy định về lấy mẫu và tiến hành kiểm nghiệm mẫu sản phẩm:
- Thông tư số 11/2018/TT-BYT của Bộ Y tế Quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc và Thông tư số 13/2018/TT-BYT của Bộ Y tế Quy định về chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền
- Thông tư số 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế Quy định về quản lý mỹ phẩm.
- Thông tư số 14/2011/TT-BYT của Bộ Y tế Hướng dẫn chung về lấy mẫu thực phẩm phục vụ thanh tra, kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm
6.2 Người lấy mẫu:
- Yêu cầu đối với người lấy mẫu:
- Được đào tạo và có chứng chỉ về kỹ thuật lấy mẫu sản phẩm
- Phải trực tiếp lấy mẫu tại cơ sở hoặc theo chỉ định của người có thẩm quyền
- Trách nhiệm của người lấy mẫu:
- Phải chuẩn bị đầy đủ thủ tục, dụng cụ, thiết bị lấy mẫu và bảo quản mẫu
- Thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật đảm bảo tính khách quan, trung thực trong quá trình lấy mẫu, vận chuyển và bàn giao mẫu cho đơn vị kiểm nghiệm.
6.3 Yêu cầu đối với việc lấy mẫu:
- Lượng mẫu được lấy: tùy thuộc vào từng sản phẩm theo quy định của pháp luật. Ví dụ một số mẫu sau:
TT | Sản phẩm | Lượng mẫu tối đa |
1 | Sữa và sản phẩm sữa | 1,5 kg (lít) |
2 | Đồ uống | 6 lít (kg) |
3 | Thuốc lá | 05 (bao) |
4 | Chè | 1 kg |
5 | Gia vị | 1 kg |
6 | Dầu mỡ động vật | 1,5 kg (lít) |
7 | Kem và đá thực phẩm | 2,5 kg |
8 | Rau quả và sản phẩm rau quả | 2,5 kg |
9 | Các sản phẩm cacao và sôcôla | 1 kg |
10 | Kẹo | 1 kg |
11 | Bánh | 1 kg |
12 | Ngũ cốc, đậu đỗ | 1,5 kg |
13 | Thịt và sản phẩm thịt | 1,0 kg |
14 | Thủy sản và sản phẩm thủy sản | 1,5 kg |
15 | Trứng và sản phẩm trứng | 1,5 kg |
16 | Đường | 1,5 kg |
17 | Mật ong và sản phẩm mật ong | 1,5 kg (lít) |
18 | Thức ăn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ | 1,5 kg (lít) |
19 | Cà phê và sản phẩm cà phê | 1,5 kg (lít) |
20 | Hạt có dầu và sản phẩm hạt có dầu | 1,5 kg |
- Phương pháp lấy mẫu: các nhóm sản phẩm khác nhau sẽ có phương pháp khác nhau theo quy định của pháp luật.
- Dụng cụ lấy mẫu: dụng cụ lấy mẫu, đồ đựng mẫu phải được làm bằng vật liệu trơ, sạch thích hợp với đặc điểm của từng loại mẫu, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến chất lượng mẫu, không đưa tạp chất vào mẫu gây ô nhiễm, nhiễm chéo đối với mẫu cũng như phải đảm bảo an toàn cho người lấy mẫu.
- Quá trình lấy mẫu:
- Quá trình lấy mẫu phải được giám sát và ghi chép đầy đủ. Tất cả các dấu hiệu không đồng nhất, hư hỏng của sản phẩm và bao bì bảo quản đều phải ghi chép lại.
- Sau khi kết thúc quá trình lấy mẫu, mẫu kiểm nghiệm phải được bàn giao ngay cho đơn vị kiểm nghiệm trong thời gian sớm nhất.
- Trong quá trình lấy mẫu và sau khi lấy mẫu, mẫu kiểm nghiệm phải được bảo quản trong điều kiện phù hợp với các yêu cầu về bảo quản do nhà sản xuất công bố.
7. Các câu hỏi thường gặp về kiểm nghiệm thực phẩm
7.1 Kiểm nghiệm là làm gì?
Kiểm nghiệm là việc tiến hành một hoặc một loạt các hoạt động xem xét, xét nghiệm, phân tích và đánh giá sự vật xem có đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã đặt ra đối với sự vật đó hay không. Kiểm nghiệm sản phẩm bao gồm rất nhiều công đoạn như lấy mẫu, xét nghiệm mẫu, đánh giá dựa trên các tiêu chí đối với từng đối tượng sản phẩm…
7.2 Kiểm nghiệm sản phẩm có bắt buộc không?
Kiểm nghiệm sản phẩm có vai trò rất quan trọng trong việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nên pháp luật có những quy định về kiểm nghiệm sản phẩm. Các tổ chức, cá nhân muốn thực hiện hoạt động kinh doanh các sản phẩm thì đều phải tiến hành kiểm nghiệm sản phẩm. Do đó, kiểm nghiệm sản phẩm là thủ tục bắt buộc đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm, đặc biệt là các ngành kinh doanh về thuốc, thực phẩm và mỹ phẩm.
7.3 Giấy kiểm nghiệm sản phẩm là gì?
Trong quy định pháp luật, không có khái niệm giấy kiểm nghiệm sản phẩm. Việc kiểm nghiệm sản phẩm được lập thành hồ sơ kiểm nghiệm và kết quả kết nghiệm được thể hiện dưới dạng Phiếu kiểm nghiệm sản phẩm.
7.4 Đăng ký kiểm nghiệm sản phẩm ở đâu?
Hiện nay có rất nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm nghiệm sản phẩm, tuy nhiên nên lựa chọn các cơ sở kiểm nghiệm có uy tín để đảm bảo kết quả kiểm nghiệm sản phẩm được công nhận.
Kiểm nghiệm sản phẩm là hoạt động có tính chuyên môn, đối với từng loại sản phẩm khác nhau thì yêu cầu của việc kiểm nghiệm cũng khác nhau. Trên đây là những vấn đề cơ bản về kiểm nghiệm sản phẩm, nếu muốn tìm hiểu chi tiết hơn vui lòng liên hệ với Công ty Luật ACC để nhận được sự tư vấn nhanh chóng và phù hợp nhất.
Bản quyền bài viết thuộc về Công ty luật ACC.