Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định mức xử phạt các hành vi vi phạm các quy định về hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường như sau
Quan trắc môi trường là gì?
Tại khoản 25 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định:
Quan trắc môi trường là việc theo dõi liên tục, định kỳ, đột xuất, có hệ thống về thành phần môi trường, các nhân tố tác động đến môi trường, chất thải nhằm cung cấp thông tin đánh giá hiện trạng môi trường, diễn biến chất lượng môi trường và tác động xấu đến môi trường.
Ngoài ra, tại Điều 106 Luật Bảo vệ môi trường 2020 có quy định chung về quan trắc môi trường như sau:
– Quan trắc môi trường bao gồm quan trắc chất thải và quan trắc môi trường, được thực hiện thông qua quan trắc tự động, liên tục, quan trắc định kỳ, quan trắc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải ra môi trường phải thực hiện quan trắc theo quy định tại Điều 111 và Điều 112 Luật Bảo vệ môi trường 2020, bảo đảm tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
– Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia quan trắc môi trường và công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân quan trắc môi trường và công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin.
– Hoạt động quan trắc môi trường phải bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng, cung cấp kết quả quan trắc chính xác, tin cậy.
– Phương tiện, thiết bị quan trắc môi trường phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật về đo lường.
Đối tượng nào phải được quan trắc môi trường?
Điều 108 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định:
Thành phần môi trường phải được quan trắc bao gồm:
– Môi trường nước gồm nước mặt, nước dưới đất, nước biển;
– Môi trường không khí xung quanh;
– Môi trường đất, trầm tích;
– Đa dạng sinh học;
– Tiếng ồn, độ rung, bức xạ, ánh sáng.
Nguồn thải, chất thải, chất ô nhiễm phải được quan trắc bao gồm:
– Nước thải, khí thải;
– Chất thải công nghiệp phải kiểm soát để phân định chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật;
– Phóng xạ;
– Chất ô nhiễm khó phân hủy phát thải và tích tụ trong môi trường;
– Các chất ô nhiễm khác.
Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định mức xử phạt liên quan đến hành vi vi phạm quan trắc môi trường như sau:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thay đổi nhân sự, thiết bị, địa điểm cơ sở nhưng không thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không duy trì đầy đủ điều kiện về hóa chất (không có hóa chất, hóa chất đã hết hạn sử dụng) phục vụ quan trắc các thông số được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.
3. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không duy trì đầy đủ điều kiện về nhân lực (số lượng cán bộ chuyên trách thực hiện hoạt động quan trắc tại hiện trường, số lượng cán bộ chuyên trách thực hiện hoạt động phân tích môi trường, người quản lý phòng thí nghiệm, người phụ trách bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng) thực hiện quan trắc môi trường đối với các thông số được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường;
b) Phiếu trả kết quả quan trắc không đánh số thứ tự, ký hiệu, không đủ thông tin theo quy định.
4. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Hoạt động không đúng phạm vi theo nội dung giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; cung cấp kết quả quan trắc, thử nghiệm đối với các thông số hoặc theo các phương pháp không được chứng nhận trong giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo quy định (trừ các thông số không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường);
b) Không duy trì đầy đủ điều kiện về trang thiết bị phục vụ cho hoạt động quan trắc hiện trường hoặc phân tích môi trường so với thời điểm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường;
c) Thực hiện kỹ thuật quan trắc không đúng theo quy định kỹ thuật quan trắc môi trường hoặc yêu cầu của phương pháp quan trắc đã được chứng nhận, không thực hiện đúng và đầy đủ quy định về quy trình, phương pháp quan trắc môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định;
d) Không lưu trữ đầy đủ dữ liệu quan trắc gốc đối với toàn bộ hoạt động dịch vụ quan trắc thực hiện trong 03 năm gần nhất hoặc từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận đối với các đơn vị hoạt động dưới 3 năm.
5. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo quy định nhưng vẫn thực hiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.
6. Đối với hành vi không kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị quan trắc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc quy định của nhà sản xuất thì áp dụng hình thức xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường.
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại điểm a khoản 3, điểm c khoản 4 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại điểm a, điểm b, điểm d khoản 4 Điều này.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi hành chính quy định tại điểm a khoản 4, khoản 5 Điều này.
Tham bảo tại kinhtemoitruong.vn